Mục lục
Với khả năng ưu việt là rà soát lỗi hệ thống và tối ưu đáng kể việc bảo mật cũng như tốc độ của website, Site Health Check đang là một trong những tính năng được các nhà thiết kế và lập trình website đánh giá cao nhất ở phiên bản WordPress 5.2.
Vậy Site Health Check là gì và làm thế nào để sử dụng tính năng này một cách hiệu quả nhất? Bạn hãy cùng Tadu khám phá nhé.
Site Health Check là gì?
Site Health Check (được dịch là Kiểm tra hệ thống) là một tính năng chính thức của WordPress kể từ phiên bản 5.2, giúp rà soát các lỗi hệ thống và các vấn đề có thể gặp phải trong quá trình thiết kế, vận hành website. Tính năng này được phát triển từ Healthcheck – một plugin hỗ trợ kiểm tra website đã hoạt động hơn 8 năm trên WordPress.
Site Health Check sẽ hỗ trợ website của bạn như thế nào?
1. Kiểm tra và đảm bảo duy trì “sức khỏe” của website
Quy trình kiểm tra hệ thống của Site Health Check bao gồm: Lưu thông tin > Kiểm tra > Phân tích và đánh giá > Cách chữa trị > Chăm sóc lâu dài.
Ở đây, Site Health Check sẽ:
- Lưu trữ tất cả thông tin chi tiết của website
- Tiến hành một loạt các bước kiểm tra hệ thống
- Tìm kiếm và phân tích các vấn đề thường gặp do cấu hình máy chủ, phần mềm, phiên bản PHP,…
- Đưa ra đánh giá toàn diện và giải pháp cho mỗi vấn đề
- Lặp lại quá trình thường xuyên để phát hiện vấn đề một cách nhanh nhất, đảm bảo cho website của bạn luôn “khỏe”
Có thể hiểu, Site Health Check là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn nhận ra và khắc phục hết các vấn đề, nhằm đảm bảo website được duy trì hoạt động trong trạng thái tốt nhất. Công cụ này sẽ theo dõi và đánh giá liên tục, kể cả khi website của bạn phát triển và thay đổi dần theo thời gian. Đây là việc mà hiếm có bất kỳ plugin kiểm tra bên ngoài nào có thể thực hiện được.
2. Tăng tốc website và đạt thứ hạng cao hơn trên Google Search
Không chỉ đảm bảo website hoạt động tốt, các đề xuất xử lý của Site Health Check còn giúp website được nâng cao bảo mật, tối ưu tốc độ và thứ hạng tìm kiếm tốt hơn.
Google đã đánh giá và khẳng định các yếu tố như tốc độ, bảo mật đều sẽ tác động đến hiệu quả tối ưu SEO cũng như thứ hạng website của bạn trên trang kết quả tìm kiếm (SERP):
- Website có tốc độ nhanh sẽ giúp bài viết xuất hiện trên Google sớm hơn các trang khác, tăng tỉ lệ chuyển đổi, giảm tỷ lệ thoát và cải thiện trải nghiệm người dùng.
- Website được đánh giá cao về bảo mật sẽ giúp tạo thêm uy tín cho thương hiệu và an toàn cho người dùng. Không chỉ giúp người dùng an tâm khi truy cập mà Google cũng sẽ tin tưởng và giúp nhiều người dùng biết đến website của bạn hơn.
*Để kiểm tra tốc độ website, Tadu gợi ý bạn có thể sử dụng trực tiếp công cụ Pagespeed Insight của Google. Công cụ này sẽ tiến hành kiểm tra, đưa ra đánh giá và kết quả tổng quan cho tốc độ website.
Sau khi nhập URL website vào Pagespeed, bạn có thể xem điểm đánh giá theo các mức: Đỏ (0-49), Vàng (50-89) và Xanh lá (90-100). Sau đó là các chẩn đoán và yêu cầu điều chỉnh một số yếu tố trên website giúp cải thiện tốc độ trang web của bạn.
Bạn hãy thử kiểm tra tốc độ website, sau đó thực hiện Site Health Check theo hướng dẫn của Tadu phía dưới đây và kiểm tra lại bằng Pagespeed Insight một lần nữa để xem tốc độ website của bạn được cải thiện đến thế nào nhé!
Sử dụng Site Health Check để tối ưu bảo mật và tốc độ website
Ở phần này, Tadu sẽ hướng dẫn sử dụng và giải thích các thông tin hữu ích mà Site Health Check cung cấp sau khi “kiểm tra sức khỏe” của website. Nếu bạn đã hiểu rõ hoặc quen thuộc với Troubleshooting và Healthcheck của WordPress, bạn có thể chuyển đến phần tiếp theo của bài viết: Mẹo giúp Site Health Check đạt 100% nhé!
Vào WP Admin > Tools (Công cụ), bạn sẽ tìm thấy tính năng Site Health Check (Kiểm tra hệ thống) với hai trang mới được thêm vào: Status (Trạng thái) và Info (Thông tin).
Trang Trạng thái (Site Health Status)
Trang Trạng thái sẽ cung cấp một bản tóm tắt tổng quan về tình trạng hoạt động, bảo mật và các vấn đề cần được điều chỉnh trên website.
Sau khi chạy thử một loạt các kiểm tra hệ thống, trang Trạng thái sẽ đưa ra kết quả và đánh giá dựa trên 3 mức độ chính:
- Good (Tốt)
- Recommended (Đề xuất)
- Critical (Nguy kịch).
Con số phần trăm đánh giá tổng quan ở đầu trang sẽ hiện theo các màu tương ứng như:
Blue (xanh biển)
Green (xanh lá)
Red (đỏ)
Orange (cam)
Purple (tím)
Grey (xám)
Bảng kết quả kiểm tra sẽ giúp bạn thấy được:
- Những vấn đề tồn tại trên website
- Đề xuất chỉnh sửa từ WordPress
- Các mục đạt chuẩn sau khi kiểm tra
Ở mỗi vấn đề được yêu cầu trên trang Trạng thái, bạn có thể nhấp vào để xem chi tiết hơn. Site Health Check sẽ giải thích những điểm bạn cần chú ý ở mỗi vấn đề, từ đó gợi ý cách giải quyết và hầu hết các trường hợp đều sẽ có hành động cụ thể hơn, ví dụ như đường link dẫn trực tiếp đến phần hỗ trợ chỉnh sửa đó.
Tadu đánh giá khá cao về thiết kế giao diện của tính năng này. Các nhà phát triển WordPress đã tạo một giao diện tối giản với mọi thông tin cần thiết, đặc biệt là không sử dụng ngôn từ mang tính tiêu cực hay phóng đại vấn đề như các ứng dụng kiểm tra website khác.
Trang Thông tin (Site Health Info)
Trang Thông tin sẽ cung cấp tất cả thông tin chi tiết về hệ thống, máy chủ và website. Đây là phần thông tin quan trọng và cực kỳ hữu ích cho các nhà thiết kế phát triển web.
Đây là phần thông tin rất hữu ích dành cho các nhà thiết kế và phát triển web như bạn. Bạn có thể nhấp vào từng thẻ để xem các thông tin chi tiết quan trọng về website và hệ thống như:
- WordPress: Thông tin về phiên bản WordPress và chi tiết các cài đặt cơ bản như Ngôn ngữ trang web, Ngôn ngữ người dùng, URL trang chủ và website, Cấu trúc liên kết tĩnh permalink, Kiểm tra multisite và tổng số người dùng.
- Directories and Sizes (Thư mục và kích cỡ): Thông tin về dung lượng và nơi lưu trữ của Cơ sở dữ liệu, Giao diện, Plugin, Nội dung tải lên trên website và tổng dung lượng cài đặt. Mỗi gói web hosting sẽ chỉ hỗ trợ cho một dung lượng nhất định, do đó bạn có thể downsize (giảm kích cỡ) các tệp cần thiết.
- Active theme (Giao diện đang kích hoạt): Thông tin chi tiết về giao diện mà hệ thống đang sử dụng và các thông tin bên lề về giao diện này như Tên giao diện, Phiên bản, Người thiết kế, Giao diện gốc, Tính năng và Nơi lưu trữ.
- Other themes (Giao diện khác): Hiển thị thông tin về những giao diện khác đã được cài đặt trên hệ thống.
- Must use plugins (Plugin đề xuất): Danh sách các Plugin cần sử dụng, Phiên bản mới nhất và Người thiết kế.
- Active plugins (Plugin đã kích hoạt): Thông tin về Tên plugin, Phiên bản và Người thiết kế plugin đang được sử dụng trên hệ thống.
- Media Handling (Xử lý media): Cung cấp chi tiết về cách xử lý hình ảnh của website. Các thông tin về trình chỉnh sửa đang hoạt động, string, giới hạn tài nguyên, phiên bản GD, Ghostscript, và ImageMagick.
- Server (Máy chủ): Thông tin chính yếu về thiết lập máy chủ như Loại máy chủ được sử dụng (Windows, Linux,…), Giới hạn thời gian, Giới hạn bộ nhớ, Kích thước tối đa của file tải lên, Phiên bản PHP, Thời gian nhập tối đa,…
- Database (Cơ sở dữ liệu): Cung cấp thông tin về các Tiện ích mở rộng, Phiên bản máy chủ, Phiên bản máy khách, Cơ sở dữ liệu người dùng, Host,…
- WordPress constants (Hằng số WordPress): Cho biết các yếu tố trên WordPress được tải từ nguồn nào và một số thông tin cơ bản về cấu hình như COMPRESS_SCRIPTS, WP_CONTENT_DIR, WP_HOME, WP_DEBUG,…
- Filesystem permission (Quyền hệ thống tập tin): Phần kiểm tra hệ thống để đảm bảo WordPress có thể ghi lên tất cả những file cần thiết như Thư mục chính, Nội dung, Giao diện, Plugin, Plugin cần sử dụng và Nội dung tải lên của WordPress.
Bên cạnh các thông tin này sẽ có con số biểu thị cụ thể nếu có (như hình), ví dụ như tổng số các Plugin được đề xuất cho website của bạn. Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào cần được cải thiện, WordPress sẽ thông báo và đưa ra giải pháp ở trang Trạng thái.
Ngoài ra, ở trang Thông tin cũng có nút tích hợp chức năng “Copy site info to clipboard”. Tadu cảm thấy chức năng này cực kỳ tiện lợi vì chỉ với 1 cú click chuột, bạn có thể sao chép tất cả thông tin website và hệ thống, sau đó lưu trữ trong ổ cứng hoặc trình bày với khách hàng, gửi email đến các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật khác để giúp mọi vấn đề được kiểm soát dễ dàng và giải quyết một cách nhanh chóng nhất.
Các vấn đề mà Site Health Check kiểm tra sẽ được chia thành 2 phần chính: Hiệu suất và Bảo mật.
Performance Check (Kiểm tra hiệu suất)
- Website được cập nhật phiên bản mới nhất cho: WordPress (5.2), PHP (7.3.5) và máy chủ SQL
- Web đã cài đặt các module PHP được yêu cầu/đề xuất
- Có hỗ trợ UTF8MB4
- Các sự kiện được lên lịch đang tiến hành
- Yêu cầu từ HTTP vẫn hoạt động tốt
- Có sẵn REST API
- Có thể thực hiện các yêu cầu loopback
Security Check (Kiểm tra bảo mật)
- Cập nhật phiên bản mới nhất cho plugin
- Giao diện đang sử dụng
- Kết nối bảo mật HTTPS
- Kết nối an toàn
- Website đã tắt chế độ debug
- Có thể kết nối với WordPress
- Các cập nhật nền đang hoạt động
Mẹo giúp Site Health Check đạt 100%
1) Chọn một giao diện mặc định cho website (khuyến khích lựa chọn theme Twenty Nineteen mới nhất của WordPress) và xóa bỏ các giao diện khác không cần thiết
2) Cập nhật lên PHP version 7.3: phiên bản này có hiệu suất hoạt động cao, xử lý ở tốc độ nhanh chóng và hỗ trợ hầu hết các plugin
3) Cập nhật tất cả plugin và giao diện lên phiên bản mới nhất
4) Tắt chế độ debug trên WordPress: Chế độ này giúp lập trình viên dễ dàng phát hiện và gỡ lỗi khi đang viết code. Tuy nhiên, chế độ hiển thị lỗi không thích hợp với người dùng và có thể gây ảnh hưởng đến độ bảo mật của trang web, do đó, bạn nên tắt debug sau khi đã viết code xong
5) Sử dụng kết nối bảo mật HTTPS cho website: Website sử dụng Https và có chứng chỉ SSL không chỉ giúp nâng cao độ bảo mật thông tin, giúp tăng điểm Site Health Check mà còn được Google đánh giá “bảo mật” và uy tín cao hơn
6) Cập nhật MySQL lên phiên bản 5.6 hoặc mới hơn: Bạn có thể sử dụng MySQL version 5.6 trở lên hoặc MariaDB version 10.0 trở lên để hỗ trợ utf8mb4, để hỗ trợ website lưu trữ văn bản và các chuỗi ký tự khác (ký hiệu, biểu tượng cảm xúc,..)
Áp dụng tốt các mẹo trên cũng như tiến hành xử lý các vấn đề đã được Site Health Check đề xuất, Tadu chắc chắn bạn sẽ có điểm “Kiểm tra hệ thống” cao hơn và đạt 100% cũng không còn là vấn đề khó khăn nữa.
Lưu ý khi sử dụng Site Health Check
- Bạn cần update lên bản WordPress 5.2 để bắt đầu sử dụng tính năng “Kiểm tra hệ thống”. Bạn có thể click chọn Update WordPress 5.2 ngay trên dashboard
- WordPress 5.2 chỉ hỗ trợ với PHP phiên bản 5.6 trở lên, vì vậy bạn hãy cập nhật phiên bản PHP của mình trước khi nâng cấp WordPress
- Đừng quên backup toàn bộ dữ liệu trước khi bắt đầu update bất cứ tiện ích nào
- Không nên chú trọng quá nhiều đến con số phần trăm ở phần kiểm tra sức khỏe hệ thống. Kết quả thực tế sẽ nằm ở tốc độ và bảo mật của website sau khi đã điều chỉnh. Vì vậy, nếu con số đánh giá này vẫn không khả quan dù bạn đã áp dụng các mẹo tối ưu, Tadu khuyến khích bạn nên kết hợp thêm nhiều công cụ khác để kiểm tra kết quả (ví dụ như Pagespeed Insight mà Tadu giới thiệu phía trên)
- Site Health Check là một công cụ giúp rà soát hết tất cả những lỗi nhỏ mà bạn có thể không tìm thấy trong quá trình thiết kế và vận hành website, giúp website hoạt động tốt hơn về lâu dài. Do đó, kết quả đánh giá mà tính năng này đưa ra không phải là đánh giá cuối cùng cho hiệu quả website của bạn. Nhiều khách hàng thường sẽ “ám ảnh” với việc đạt 100% và gây áp lực lên các nhà thiết kế phát triển web nên bạn hãy giải thích ý nghĩa con số này để khách hàng hiểu rõ hơn
Bên trên là toàn bộ hướng dẫn giúp bạn dùng tính năng Site Health Check (Kiếm tra hệ thống) để tối ưu hoạt động của website, tăng đáng kể tốc độ tải trang và thứ hạng SEO nhưng cũng khá đơn giản để thực hiện. Đừng quên chia sẻ với Tadu về kết quả website của bạn sau khi áp dụng hoặc bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng Site Health Check nhé!